QUY TRÌNH KỸ THUẬT THÂM CANH TỔNG HỢP MỘT SỐ GIỐNG SẦU RIÊNG TẠI TÂY NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /QĐ-TT-CCN
ngày tháng năm 2022 của Cục trưởng Cục Trồng trọt)
PHẦN I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tác giả
- Nhóm tác giả: TS. Hoàng Mạnh Cường, TS. Phan Thanh Bình, ThS. Đặng Đinh Đức Phong, ThS. Huỳnh Thị Thanh Thủy, ThS. Lâm Minh Văn, ThS. Hoàng Trường Sinh, ThS. Bùi Thị Phong Lan, ThS. Trần Tú Trân, ThS. Đặng Thị Vân, ThS. Nguyễn Thị Tiến Sỹ, KS. Trần Văn Phúc, KS. Đặng Thị Thùy Thảo.
- Tổ chức có TBKT được công nhận: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
2. Xuất xứ của TBKT
Quy trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện “Quy trình trồng và chăm sóc sầu riêng” do Viện Cây ăn quả miền Nam ban hành năm 2015; các nội dung được bổ sung, chỉnh sửa từ các kết quả nghiên cứu khoa học trong quá trình thực hiện đề tài trọng điểm cấp Bộ "Nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện kỹ thuật thâm canh các giống chuối, sầu riêng, cam, bơ phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên".
3. Phạm vi, địa điểm áp dụng
Quy trình áp dụng cho các các giống sầu riêng Dona và Ri6 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
4. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật
- Thời gian kiến thiết cơ bản: 5 năm.
- Năng suất vườn cây vào thời kỳ kinh doanh ổn định, từ năm thứ 8 trở đi đạt bình quân 150 kg/ cây/ năm, tương đương ≥ 18 tấn/ ha/ năm.
PHẦN II. NỘI DUNG QUY TRÌNH
I. YÊU CẦU SINH THÁI
1.1 Điều kiện khí hậu
1.1.1. Nhiệt độ: Cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 24 - 30oC.
1.1.2. Độ ẩm: Ẩm độ từ 75 - 85 % thích hợp nhất để trồng sầu riêng.
1.1.3. Lượng mưa: Thích hợp cho cây sầu riêng ít nhất phải đạt 1.500 mm/năm và phân bố đều, nhưng tốt nhất ở khoảng 2.000 mm /năm.
1.1.4. Gió: Nên trồng sầu riêng ở những vùng ít gió hoặc có gió nhẹ, tránh trồng sầu riêng ở những nơi có gió mạnh trong điều kiện khô nóng.
1.1.5. Ánh sáng: Cây còn nhỏ yêu cầu ánh sáng nhẹ, cây lớn chịu được ánh sáng trực xạ.
1.2. Điều kiện đất đai
1.2.1. Độ cao: Đất trồng sầu riêng tại Tây Nguyên thích hợp ở độ cao từ 200 - 600 m so với mực nước biển. Ở những nơi có độ cao từ 600 - 800 m, nhiệt độ trung bình năm phải trên 20oC; có điều kiện nước tưới thuận lợi, không trồng sầu riêng ở những nơi có độ dốc > 30o.
1.2.2. Thành phần cơ giới: Từ nhẹ đến trung bình, tơi xốp, thoát nước tốt. Ưu tiên trồng sầu riêng trên đất đỏ bazan, đất đỏ vàng.
1.2.3. Độ dày tầng đất: Có tầng canh tác sâu ≥ 1 m.
1.2.4. Độ sâu mực nước ngầm: Đảm bảo tối thiểu từ mặt đất đến mực nước ngầm > 03 m.
1.2.5. pHKCl: Thích hợp cho cây sầu riêng từ 4,5 - 6,5.
II. KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC
2.1 Chọn giống, tiêu chuẩn cây giống
2.1.1. Chọn giống
- Giống Dona.
+ Là giống có nguồn gốc nhập nội từ Thái Lan, chủ lực cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ở vùng Tây Nguyên, thời vụ thu hoạch của giống vào khoảng tháng 8 - 10. Năng suất cao, ổn định, đạt bình quân 150 kg /cây vào năm trồng thứ 10 trở đi, tương đương ≥ 20 tấn /ha /năm.
+ Cây có đặc tính sinh trưởng tốt, dạng tán hình tháp, lá thuôn dài, mặt trên bóng láng, phẳng và có màu xanh hơi sẫm, thích ứng rộng.
+ Quả khá to (2,5 - 4,5 kg /quả), quả có dạng hình trụ, vỏ quả có màu vàng nâu khi chín, thịt quả màu vàng nhạt, xơ to trung bình, ráo, vị ngọt béo, hạt lép nhiều, tỷ lệ thịt quả cao (31,3 - 34,7 %).
- Giống Ri 6.
+ Là giống có nguồn gốc Việt Nam, được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước, có chất lượng tốt. Thời vụ thu hoạch của giống khoảng tháng 7 - 8 ở vùng Tây Nguyên. Năng suất cao, ổn định, đạt bình quân 120 kg /cây vào năm trồng thứ 10 trở đi, tương đương ≥ 18 tấn /ha /năm.
+ Sinh trưởng nhanh, phân cành ngang đẹp, dạng tán hình tháp, lá hình xoan và có màu xanh đậm mặt trên.
+ Khối lượng quả trung bình (2,0 - 2,5 kg /quả), có hình elip, vỏ quả có màu vàng khi chín, cơm vị ngọt béo, thơm nhiều, hạt lép nhiều, tỷ lệ thịt quả cao (31,0 - 35,5%).
2.1.2. Tiêu chuẩn cây giống:
Cây phải đúng giống, được nhân giống bằng phương pháp ghép, từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được công nhận, đạt tiêu chuẩn chất lượng vật liệu nhân giống.
- Gốc ghép thẳng, đường kính gốc ghép 1,0 - 1,5 cm; bộ rễ phát triển tốt.
- Thân, cành, lá: Thân thẳng, vững chắc, có ít nhất 3 cành cấp 1 trở lên, hình tán dù. Các lá ngọn đã thành thục, xanh tốt, có hình dạng và kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt bầu trở lên) > 70 cm.
- Cây giống sinh trưởng khỏe, không mang các loại sâu bệnh hại chính trên sầu riêng (rầy phấn, thán thư, nấm Phytophthora palmivora...).
2.2. Chuẩn bị đất và thiết kế vườn trồng
2.2.1. Thiết kế vườn trồng
- Đối với vùng đất thấp, có khả năng thoát nước kém, cần thiết kế mương thoát nước trong và xung quanh vườn sầu riêng. Giữa các hàng cây bố trí các mương líp cạn để thoát nước trong vườn. Nên đắp luống cao từ 0,4 - 0,5 m, rộng khoảng 3 - 4 m cho mỗi hàng sầu riêng.
- Đối với đất trồng sầu riêng có độ dốc > 20o cần thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức, độ rộng đường đồng mức tối thiểu là 3 m.
2.2.2. Khoảng cách, mật độ trồng
- Đối với đất đỏ bazan, trồng sầu riêng theo khoảng cách 8 x 8 m, tương đương với mật độ 156 cây/ha.
- Đối với đất đỏ vàng hoặc đất có độ dốc > 20o trồng sầu riêng theo khoảng cách 7 x 7 m hoặc 6 x 8 m, tương đương với mật độ 208 cây/ha.
2.2.3. Xử lý đất, đào hố, bón lót trước khi trồng
- Xử lý đất: Đất trồng sầu riêng cần được khai hoang kỹ, dọn sạch tàn dư thực vật, sử dụng 1,5 - 2 tấn vôi bột rải đều trên toàn bộ diện tích sau đó tiến hành cày bừa kỹ làm giảm độ chua của đất.
+ Khi mật độ tổng số tuyến trùng trong đất > 100 con/100 g đất và > 150 con/ 5 g rễ; cần xử lý đất bằng các thuốc có hoạt chất Fluensulfone, Abamectine + Azadirachtin; sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
- Kích thước hố: Hố trồng sầu riêng tốt nhất có kích thước là 80 cm x 80 cm x 80 cm, trên nền đất có độ phì thấp nên đào hố lớn hơn.
- Bón lót: Trước khi trồng từ 15 - 20 ngày, bón từ 20 - 30 kg phân chuồng ủ hoai + 0,3 - 0,5 kg Lân nung chảy. Nếu không có phân chuồng, có thể bón lót khoảng 2 - 3 kg phân hữu cơ sinh học /hố. Phân được trộn đều với lớp đất mặt sau đó được lấp cho đầy hố, vun mô cao từ 10 - 20 cm so với mặt đất.
2.3. Thời vụ trồng và kỹ thuật trồng
2.3.1. Thời vụ trồng
Thời vụ trồng tốt nhất cho cây sầu riêng ở Tây Nguyên từ tháng 5 - 8 hàng năm. Trong điều kiện có nước tưới đảm bảo, che bóng, chắn gió tốt, có thể trồng cây sầu riêng quanh năm.
2.3.2. Kỹ thuật trồng
Dùng cuốc móc nhẹ một lỗ có kích thước lớn hơn so với kích thước bầu cây, đặt cây vào hố, xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh bị gãy phần chồi ghép, mặt bầu lấp ngang mặt hố, nén nhẹ đất quanh gốc. Cắm 1 cọc gỗ hoặc le nhỏ để buộc cố định phần chồi ghép.
2.4. Chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản
2.4.1. Tưới nước, tiêu nước, làm cỏ
- Tưới nước: Trong mùa khô cho đến khi có mưa, cần tưới 2 - 3 ngày /lần, lượng nước tưới 30 - 50 lít /cây /lần; trong năm thứ nhất, nếu trong mùa mưa gặp hạn kéo dài, không đủ lượng nước, độ ẩm đất thấp, phải tưới bổ sung để cho cây sầu riêng sinh trưởng tốt nhất.
- Tiêu nước: Vườn sầu riêng cần phải có hệ thống mương rãnh để thoát nước vào mùa mưa; nước mưa phải được thoát nhanh ra khỏi vườn; cần phá bỏ bồn tưới vào đầu mùa mưa, tránh để đọng nước trong gốc sầu riêng.
- Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc cây để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây sầu riêng. Đối với vườn sầu riêng trồng trên đất dốc, hạn chế làm cỏ trắng nhằm chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng trong đất.
2.4.2. Che bóng, chắn gió
- Việc che bóng, chắn gió là bắt buộc đối với sầu riêng trong năm trồng mới ở Tây Nguyên.
- Dùng vật liệu lưới nilon (lưới đen) hoặc cành lá để che bớt khoảng 30 – 40 % ánh sáng trực tiếp. Nên trồng muồng hoa vàng (Crotalaria. spp) để cải tạo đất hoặc xen chuối để che bóng cho sầu riêng, muồng hoa vàng hoặc chuối được trồng cách gốc sầu riêng 2 - 3 m;
- Đối với cây muồng hoa vàng, cần trồng trước thời điểm trồng sầu riêng 2 - 3 tháng; đối với cây chuối, có thể trồng cùng thời gian với sầu riêng.
2.4.3. Trồng dặm
Sau khi trồng 1 tháng, cần tiến hành kiểm tra vườn, loại bỏ cây chết và trồng dặm kịp thời bằng cây tương ứng trên vườn.
2.4.4. Tủ gốc giữ ẩm, chống xói mòn
- Dùng rơm, rạ hoặc tàn dư thực vật, tủ từ 5 - 10 kg khô /cây, tủ cách gốc sầu riêng 10 - 20 cm để giữ ẩm.
- Trồng xen cây che phủ đất như cây lạc dại (Arachis pintoi), cỏ Vetiver (Vetiveria zizanioides L.,), cỏ Ghinê (Panicum maxinum),… trồng dày giữa hai hàng sầu riêng và vuông góc với hướng dốc chính để chống xói mòn.
2.4.5. Cắt tỉa, tạo hình
- Công việc tạo hình cần thực hiện ngay từ năm đầu tiên và thực hiện thường xuyên ở những năm tiếp theo để có được bộ tán cây sầu riêng cân đối, cành mang quả thấp nhất phải ở vị trí cách mặt đất tối thiểu 1 m.
- Cần cắt tỉa những cành mọc đứng, cành bên trong tán, cành bị sâu bệnh hại và không có khả năng phục hồi; những cành mọc quá gần mặt đất.
2.4.6. Bón phân
a) Phân hữu cơ
Bảng 1: Lượng phân hữu cơ bón cho sầu riêng (kg /cây /năm)
Tuổi vườn | Loại phân | Số lần bón | |
Phân chuồng ủ hoai mục | Phân hữu cơ vi sinh | ||
1 | 10 - 20 | 2 - 3 | 1 |
2 | 20 - 30 | 3 - 4 | 1 |
3 | 30 - 40 | 4 - 6 | 1 |
4 | 40 - 50 | 6 - 8 | 1 |
Cách bón: Bón vào đầu mùa mưa; dùng cuốc xẻ rãnh có chiều rộng và sâu 15 - 20 cm theo hình chiếu tán cây, bón phân hữu cơ sau đó lấp đất lại.
b) Phân vô cơ
Bảng 2: Lượng phân vô cơ bón cho sầu riêng (kg /cây /năm)
Tuổi vườn | Lượng phân NPK | Số lần bón | ||
N | P2O5 | K2O | ||
1 | 0,2 - 0,3 | 0,1 - 0,2 | 0,1 - 0,2 | 6 - 9 |
2 | 0,3 - 0,45 | 0,2 - 0,3 | 0,2 - 0,3 | 4 - 6 |
3 | 0,45 - 0, 6 | 0,3 - 0,4 | 0,35 - 0,5 | 4 - 6 |
4 | 0,7 - 0,9 | 0,4 - 0,5 | 0,6 - 0,7 | 4 |
Cách bón: Rải rồi xới nhẹ hoặc chôn thành rãnh theo hình chiếu tán lá; bón khi đất đủ ẩm và tưới đẫm sau bón phân. Nên chia làm nhiều lần bón, nên bón phân kết hợp tưới nước giúp cây sầu riêng hấp thụ phân bón tốt hơn.
2.5. Chăm sóc thời kỳ kinh doanh
2.5.1. Quản lý độ ẩm và tưới nước
Sau thu hoạch
|
Ra hoa - đậu quả non
|
Nuôi quả - Thu hoạch
|
| |||||||||||||||
|
| |||||||||||||||||
|
Đợt lá 1
|
Đợt lá 2
| Chuẩn bị ra hoa | Ra hoa - đậu quả non
| Thu hoạch |
| ||||||||||||
T10 | T11 | T12 | T1 | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | T8 | T9 | |||||||
|
|
|
|
|
|
|
Đợt lá 3 |
|
|
| ||||||||
Hình 1. Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của sầu riêng ở Tây Nguyên
- Giai đoạn sau thu hoạch đến bắt đầu phân hóa mầm hoa (tháng 10 - tháng 1 năm sau): Tưới nước đủ ẩm nếu không có mưa, kết hợp với bón phân thúc cho cây cơi đọt ít nhất được 2 đợt lá.
- Giai đoạn phân hóa mầm hoa đến khi bắt đầu ra hoa (tháng 2 - 3): Cần tạo khô hạn khi kết thúc đợt ra lá thứ 2 (đợt lá 2 phát triển hoàn chỉnh, lá già) cho đến khi cây xuất hiện chồi hoa dài khoảng 1 - 2 cm (giai đoạn mắt cua).
- Giai đoạn hình thành hoa: Khi cây đã phân hóa mầm hoa đầy đủ, tiến hành tưới nước cho cây.
- Giai đoạn trước khi hoa nở 1 tuần cho - hoa nở hết: Tưới đều, nhằm cải thiện độ ẩm trên vườn sầu riêng, giúp cây thụ phấn tốt hơn.
- Giai đoạn cây mang quả: Tưới bình thường nhằm tránh rụng quả sinh lý, giúp quả phát triển cân đối.
Bảng 3: Các giai đoạn tưới nước cho cây sầu riêng
Giai đoạn tưới | Thời gian | Lượng nước tưới (lít /cây) | Chu kỳ tưới (ngày) |
Sau thu hoạch đến bắt đầu phân hóa mầm hoa | Tháng 10 - Tháng 1 năm sau | 150 - 200 | 5 - 7 |
Phân hóa mầm hoa | Tháng 2 | Tạo khô hạn 20 - 25 ngày | |
Hình thành hoa | Tháng 2 - 3 | 200 - 300 | 5 - 7 |
Trước nở hoa 1 tuần - hoa nở hết | Tháng 3 - 4 | 100 - 120 | 3 - 5 |
Nuôi quả | Tháng 5 | 150 - 200 | 5 - 7 |
- Lưu ý khi tưới:
+ Có thể tưới dí hoặc xây dựng hệ thống tưới phun mưa cục bộ tại gốc giúp cải thiện độ ẩm không khí trong giai đoạn cây nở hoa, xả nhị.
+ Lượng nước và chu kỳ tưới phụ thuộc lớn vào nhiệt độ, độ ẩm không khí và tốc độ thoát hơi nước trong đất. Tại nơi trồng sầu riêng có nhiệt độ ban ngày cao, độ ẩm không khí thấp và tốc độ thoát hơi nước nhanh; cần tưới với lượng nước cao và chu kỳ ngắn theo khuyến cáo.
+ Trong mùa khô, thường xuyên kiểm soát độ ẩm đất trên vườn sầu riêng bằng các thiết bị đo độ ẩm đất chuyên dụng để có biện pháp tưới đúng lúc, đủ lượng nước cây cần.
+ Phun nước có áp lực cao lên thân, lá vào các thời điểm rầy nhảy, nhện đỏ phát sinh mạnh để rửa trôi, hạn chế đối tượng dịch hại. Tránh không phun vào các thời điểm sầu riêng ra hoa, đậu quả.
2.5.2. Quản lý dinh dưỡng và bón phân
a) Phân hữu cơ
Bảng 4: Lượng phân hữu cơ bón cho sầu riêng (kg /cây /năm)
Tuổi vườn | Loại phân | Số lần bón | |
Phân chuồng ủ hoai mục | Phân hữu cơ vi sinh | ||
5 - 8 | 50 - 70 | 8 - 10 | 1 - 2 |
8 - trở đi | 70 - 100 | 10 - 15 | 1 - 2 |
Cách bón: Bón 2 lần vào đầu mùa mưa và sau thu hoạch. Dùng cuốc xẻ rãnh có chiều rộng và sâu 15 - 20 cm theo hình chiếu tán cây, bón phân hữu cơ sau đó lấp đất.
b) Phân vô cơ
Bảng 5: Lượng phân vô cơ bón cho sầu riêng (kg /cây /năm)
Tuổi vườn | Lượng phân NPK |
Số lần bón | |||
N | P2O5 | K2O | MgO hoặc CaO | ||
5 - 8 | 1,4 - 1,6 | 1,2 - 1,6 | 1,8 - 2,0 | 0,1 | 5 |
8 - trở đi | 1,6 - 2,0 | 1,2 - 1,6 | 2,0 - 2,5 | 0,1 | 5 |
- Cách bón: Rải rồi xới nhẹ hoặc chôn thành rãnh theo hình chiếu tán lá; bón khi đất đủ ẩm và tưới đẫm sau bón phân.
+ Thời kỳ kinh doanh cần bón phân đầy đủ, đúng thời điểm, tỷ lệ N:P2O5:K2O thay đổi phù hợp theo nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn sau thu hoạch, ra hoa, nuôi quả theo bảng hướng dẫn sau:
Bảng 6: Các giai đoạn bón phân cho sầu riêng
Lần | Giai đoạn | Thời gian | Lượng bón (kg/cây) | ||
N | P2O5 | K2O | |||
1 | Sau thu hoạch | Tháng 11 | 0,7 | 0,6 | 0,4 |
2 | Trước nở hoa | Tháng 2 - 3 | 0,2 | 0,6 | 0,6 |
3 | Nuôi quả | Tháng 5 | 0,4 | 0,2 | 0,2 |
4 | Nuôi quả | Tháng 6 | 0,4 | 0,2 | 0,4 |
5 | Nuôi quả | Tháng 7 | - | - | 0,4 |
Lưu ý: Có thể sử dụng phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả để thay thế lượng phân đơn, các loại phân bón hữu cơ vi sinh để thay thế cho phân chuồng đã nêu ở trên. Lượng bón, cách bón theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
- Bổ sung vôi: Hằng năm, cần tiến hành lấy mẫu đất phân tích các chỉ tiêu về dinh dưỡng, độ chua của đất; để có các biện pháp cải tạo đất thích hợp. Cần bổ sung 2 - 3 kg vôi /cây /năm cho vườn sầu riêng vào giai đoạn sau thu hoạch. Rải đều trên mặt đất theo hình chiếu của tán cây hoặc ủ chung với phân chuồng rồi bón cho sầu riêng.
c) Phân bón lá
- Giai đoạn tạo mầm hoa: Bổ sung phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao MKP, KNO3, 10 - 60 - 10 theo hướng dẫn của nhà sản xuất; để lá sớm thành thục giúp quá trình tạo mầm hoa hiệu quả.
- Giai đoạn ra hoa, đậu quả non: Trước khi xổ nhụy, phun phân bón lá có chứa Canxi - Bo + Kali theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng tỷ lệ đậu quả.
- Giai đoạn trước thu hoạch: Trước thu hoạch 1 tháng, phun KNO3 với nồng độ 1%, giúp tăng phẩm chất quả sầu riêng lúc thu hoạch, hạn chế hiện tượng sượng cơm.
2.5.3. Quản lý khung tán và cắt tỉa
Đối với cây sầu riêng đã bước vào thời kỳ kinh doanh, việc cắt tỉa cành được thực hiện ngay sau giai đoạn thu hoạch.
Cần cắt tỉa những cành mọc đứng, cành bên trong tán, cành bị sâu bệnh hại và không có khả năng phục hồi; những cành mọc quá gần mặt đất.
2.5.4. Thụ phấn bổ sung
- Vào giai đoạn nở hoa, cần thụ phấn bổ sung cho sầu riêng vào khoảng thời gian từ 19 - 21 giờ hàng ngày.
- Cách thức thụ phân bổ sung: Tiến hành thu nhị hoa của cây cho phấn (cây khác giống) vào hộp nhựa, dùng chổi lông gà quét phấn từ hộp chứa nhị hoa để hạt phấn bám vào, ngay sau đó dùng chổi lông gà quét lên nhụy của hoa sầu riêng cần thụ phấn, giúp quá trình thụ phấn diễn ra và đậu quả tốt hơn.
2.5.5. Tỉa hoa, tỉa quả
- Tỉa hoa: Cây sầu riêng thường ra 2 - 3 đợt hoa, chỉ nên giữ lại 1 đợt hoa chính, cần tỉa bỏ những hoa ra ở những đợt không mong muốn. Việc giữ lại nhiều đợt hoa trên cây, tạo nên hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng, gây rụng hoa, quả non và hiện tượng sượng cơm.
- Tỉa quả: Cây sầu riêng thường đậu nhiều quả/chùm, nên tỉa bỏ bớt quả, giữ lại quả có hình dạng đẹp, số lượng đảm bảo năng suất, giúp cây ít bị rụng quả do cạnh tranh dinh dưỡng, chất lượng của quả sầu riêng được đảm bảo. Công việc tỉa quả được chia làm 2 đợt chính như sau:
+ Đợt 1: Tỉa ở tuần thứ 3 - 4 sau hoa nở, kết thúc ở tuần thứ 5. Lúc này tỉa các chùm quả đậu nhiều, chỉ giữ lại 1 - 2 quả /chùm, loại bỏ các quả dị dạng, sâu bệnh.
+ Đợt 2: Tỉa ở tuần thứ 8 sau hoa nở. Loại bỏ các quả phát triển không bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý số quả giữ lại phải đảm bảo số lượng cần thiết để cho năng suất ổn định.
2.6. Quản lý sinh vật hại
2.6.1. Quản lý sinh vật hại tổng hợp
- Để phòng trừ sâu bệnh hại trên vườn sầu riêng cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
+ Sử dụng giống sạch bệnh.
+ Áp dụng tốt các biện pháp canh tác: Mật độ trồng thích hợp, trồng đúng thời vụ, quản lý cỏ dại, tưới, tiêu nước hợp lý; vệ sinh vườn cây, loại bỏ các cây, cành lá bị bệnh ra khỏi vườn và tiêu hủy.
+ Biện pháp cơ học: Sử dụng bẫy, bả dẫn dụ, bắt con trưởng thành, loại bỏ các ổ trứng trên vườn cây; cày bừa, phơi đất, tưới nước áp lực cao lên thân lá sầu riêng.
+ Biện pháp sinh học: Bảo vệ thiên địch trong vườn cây, nuôi kiến vàng (Oecophylla smaragdina), đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của kiến đen (Dolichodorus thoracicus); sử dụng chế phẩm nguồn gốc sinh học phòng trừ sâu bệnh.
+ Biện pháp hóa học: Khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, lựa chọn thuốc ít độc hại, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tuân thủ quy định an toàn cho người lao động và các quy định an toàn thực phẩm.
2.6.2. Một số sâu hại chính và biện pháp phòng trừ
a) Rầy phấn (Allocaridara malayensis)
- Đặc điểm gây hại: Thường xuất hiện và phát triển mạnh trong thời tiết khô ráo, khi cây ra các đợt lộc non và có mức độ lây lan mạnh từ vườn này sang vườn khác. Ấu trùng và thành trùng chích hút nhựa lá non và đọt non làm lá quăn queo, khô rụng, cành phát triển kém, gây rụng thưa lá, ảnh hưởng đến ra hoa, đậu quả của cây.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra các đợt ra đọt của sầu riêng. Kích thích cây ra đọt non đồng loạt để dễ kiểm soát rầy.
+ Phun nước bằng vòi phun áp lực cao trên chồi non để rửa trôi trứng, ấu trùng và thành trùng.
+ Dùng bẫy dính màu vàng treo vào các cành cây để diệt thành trùng.
+ Khi có trên 50% số chồi bị nhiễm rầy hoặc trên 20% số chồi có trứng rầy, dùng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất như Imidacloprid, Etofenprox, Thiamethoxam, Burprofezin, Fenobucarb, Cypermehrin. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
b) Nhện đỏ (Panonychus citri)
- Đặc điểm gây hại: Phát triển mạnh trong thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp, khả năng sinh sản khá cao, vòng đời ngắn. Nhện đỏ gây hại bằng cách ăn biểu bì lá tạo thành các chấm nhỏ. Khi bị hại nặng lá chuyển màu vàng và rụng, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa đậu quả và nuôi quả của cây.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Bảo tồn thiên địch của nhện đỏ: Nhện thiên địch, ruồi chân dài, bọ kiến, bọ rùa,…
+ Phun nước bằng vòi phun áp lực cao nhằm rửa trôi trứng và nhện, tạo ẩm độ cho lá.
+ Khi có trên 25% số lá bị nhện đỏ dùng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Clofentezine (min 96%), Diafenthiuron (min 97%), Fenpyroximate (min 96%), Imidacloprid, Abamectin kết hợp với dầu khoáng để tăng hiệu lực phòng trừ. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
c) Sâu hại bông, cuống quả non (Orgyia postica)
- Đặc điểm gây hại: Thành trùng đẻ trứng trên các chùm bông, ấu trùng thuộc nhóm sâu róm, có nhiều lông. Ấu trùng ăn hoa, cuống hoa, cuống trái non tạo những vết đục trên cuống hoa hoặc cuống quả non, làm đứt cuống hoa hoặc quả non. Sâu gây hại nặng ở giai đoạn trái non (từ tháng 2 đến tháng 3).
- Biện pháp phòng trừ:
+ Thăm vườn thường xuyên, đặc biệt vào giai đoạn sầu riêng bắt đầu ra hoa, thu gom và tiêu hủy những chùm hoa bị nhiễm sâu.
+ Khi bộ phát thành dịch, gây hại cho nhiều bông nên xử lý ngay khi sâu vừa nở bằng các loại thuốc có hoạt chất Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Matrine 0.5% + Oxymatrine 0.1%, Quinalphos (min 70%), Abamectin. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
d) Sâu tiện vỏ (Plocaederusruficoruis)
- Đặc điểm gây hại: Sâu tiện vỏ xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn sầu riêng kinh doanh, thường tấn công vào thân chính hoặc cành lớn làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây, khiến năng suất của vườn giảm nghiêm trọng. Sâu non có thân hình dài từ 30 - 45 mm, thân mình có màu trắng sữa. Sâu non mới nở, xâm nhập vào vỏ cây và tiện phần vỏ mềm của thân và cành, bột tiện đùn ra ngoài bị ôxy hóa có màu nâu dễ nhận biết, khi gọt vào sâu bên trong lớp vỏ sẽ có những đường rãnh màu nâu do bị sâu tiện. Ở Tây Nguyên, sâu tiện vỏ bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Không nên chặt, băm hay lột vỏ cây để tạo nơi thuận tiện cho thành trùng cái đến đẻ trứng. Chặt bỏ những cành hư rồi gom lại và đốt. Dùng bẫy đèn để bắt bớt thành trùng.
+ Nếu cây bị hại nhẹ có thể dùng cây xoi lỗ sau đó nhét thuốc trừ sâu có hoạt chất Abamectin dạng hạt vào bên trong thân cây và đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu. Đối với cây bị hại nặng, dùng dao lần theo lớp vỏ cây bên trong bị sâu ăn trên thân tìm vết đục thành lỗ sâu trong thân cây, dùng các loại thuốc có hoạt chất Fenitrothion (min 95%) xịt kỹ lên các vị trí phân cành cấp 1 và thân cây, sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
2.6.3. Một số bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ
a) Bệnh thối gốc chảy nhựa (Phytophthora palmivora)
- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây hại, nấm lưu tồn trong đất, nước; dưới dạng bào tử vách, có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện môi trường không thuận lợi. Ngoài ra, sợi nấm và bào tử còn lưu tồn trong các vết bệnh trên thân, trên cành, trên lá, trái bị bệnh và các xác bả thực vật, từ đây nấm dễ dàng phát tán khi gặp điều kiện thuận lợi.
- Triệu chứng: Vết bệnh là những đốm sũng nước trên vỏ thân gần mặt đất làm nơi bệnh bị biến màu, thối và tiết ra nhựa cây đông đặc bên ngoài với màu đỏ nâu, phần gỗ bên trong vết bệnh cũng bị hóa nâu. Khi vết bệnh lan rộng và bao quanh thân, một số cành phía trên cằn cỗi, lá héo khô sau đó cành bị chết. Các rễ nhánh và rễ hấp thu bị nhiễm bệnh bị thối, khi bệnh lan sang rễ chính khiến toàn bộ cây bị chết.
+ Nấm còn gây hại trên lá và chồi non của cây làm vết bệnh trên lá sũng nước có màu tối.
+ Quả non dễ bị nhiễm bệnh khi độ ẩm môi trường cao. Đầu tiên trên quả có những vết bệnh nhỏ, ẩm ướt. Sau đó chuyển sang màu nâu, có nhiều sợi nấm màu trắng bao phủ vết bệnh. Vết thối phát triển nhanh và ăn sâu vào trong phần thịt quả. Trong điều kiện ẩm ướt, nếu không kiểm soát và quản lý vườn cẩn thận, nguồn bệnh sẽ phát tán mạnh và gây hại nặng.
- Đặc điểm phát sinh: Nấm Phytophthora palmivora phát triển mạnh trong khoảng nhiệt độ từ 16 đến 32oC, ẩm độ không khí từ 80 đến 95 %, nhất là trong mùa mưa.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Thường xuyên thăm vườn vào sáng sớm để kịp thời phát hiện vết bệnh khi còn triệu chứng nhẹ.
+ Sử dụng vi sinh vật đối kháng hoặc phân vi sinh đối kháng như chế phẩm Trichoderma, chế phẩm EM.
+ Dùng các thuốc có hoạt chất Aisulbrom; Dimethomorph; Dimethomorph + Mancozeb; Dimethomorph + Mancozeb hoặc phun luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Fostyl-aluminium, Phosphonate; mỗi năm cần phun lên tán lá 4 - 7 lần, số lần phun phụ thuộc vào mức độ phát sinh bệnh hại trên vườn cây; sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
+ Bôi thuốc: Khi vết bệnh còn nhỏ, dung dao bén cao bỏ phần mô chết, bôi lên mặt cắt và xung quanh bằng dung dịch Fostyl-aluminium; Propamocarb; hoặc Phosphonate 1%.
+ Tiêm thuốc: Khi cây xuất hiện triệu chứng bệnh, mỗi cây trưởng thành tiêm 3 - 5 ống tiêm Phosphonate nồng độ nguyên chất để trừ bệnh.
+ Quét thuốc hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb nồng độ 5% kết hợp với phun thuốc cho những cây bị bệnh vào những năm mưa ít hoặc tiêm hoạt chất Phosphonate cho những cây bị bệnh xì mủ nứt thân vào những năm mưa nhiều sau đó 1 tháng phun chế phẩm sinh học nấm Trichoderma (0,25%) 3 lần cách nhau 1 - 2 tháng để phòng xì mủ nứt thân vào mùa mưa, đặc biệt trong điều kiện có mưa kéo dài.
b) Bệnh cháy lá (Rhizoctonia solani)
- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây hại.
- Triệu chứng: Trên lá vết bệnh ban đầu là các đốm loang lỗ sẫm màu, mọng nước và có dạng bất định, sau đó lan rộng. Khi lá già vết bệnh chuyển màu nâu, lá khô rụng, cành khô chết. Bệnh xuất hiện ở chóp lá, giữa lá hay toàn bộ bề mặt của lá gây trụi lá, chết cành.
- Đặc điểm phát sinh: Nấm bệnh phát triển mạnh ở điều kiện nhiệt độ khoảng 28 oC, phát triển kém ở nhiệt độ > 35 oC.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Cắt tỉa các cành sát mặt đất, tạo tán cho vườn thông thoáng.
+ Thu gom và tiêu hủy các lá nhiễm bệnh và lá rụng.
+ Dùng các thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Validamicin, Difenoconazole để phòng trừ; sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
c) Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)
- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Corticium salmonicolor gây hại.
- Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra trên cành và thân cây còn nhỏ, nhất là ở phía trên của những cành bị che kín không có ánh nắng. Đầu tiên, trên mặt vỏ cây có những sợi khuẩn ty nấm màu trắng bò lan tạo thành những mảng màu trắng, sau vết bệnh chuyển dần sang màu hồng, nhánh bệnh bị khô và chết.
- Đặc điểm phát sinh: Bệnh thường phát triển trên những cây có tàn lá rậm rạp và che khuất nhau, phát sinh mạnh vào mùa mưa trên những cây có điều kiện chăm sóc kém.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng.
+ Tỉa và tiêu hủy các cành bị bệnh.
+ Dùng các thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Validamicin, Pencycuron để phòng trừ. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
d) Bệnh đốm rong (Cephaleuros virescens)
- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Cephaleuros virescens gây hại.
- Triệu chứng gây hại: Vết bệnh trên lá và cành non có những đốm lồi, dạng màu xanh xám, lan rộng dần khi có độ ẩm cao và đủ ánh sáng. Vết bệnh già có màu xanh nâu đỏ, nhô lên, dạng nhung. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua. Bệnh làm lá suy giảm quang hợp, rụng sớm. Đốm bệnh trên cành có màu nâu đỏ, làm cành bị khô và yếu, vỏ bị nứt nẻ, dễ tạo điều kiện cho nấm bệnh khác xâm nhiễm.
- Đặc điểm phát sinh: Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện mưa dầm, vườn trồng dày, thiếu chăm sóc, vườn cây già.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Chăm sóc thích hợp, bón phân tưới nước đầy đủ, cân đối.
+ Cắt tỉa cành, tạo tán thông thoáng cho vườn sầu riêng.
+ Dùng các thuốc có gốc đồng Copper Hydroxide để phòng trừ bệnh. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
2.7. Thu hoạch, bảo quản
2.7.1. Thu hoạch
- Nên thu hoạch từ khi quả còn trên cây, không để quả rụng xuống đất, chú ý tránh sự va chạm làm trầy xước quả, quả không bị dính bùn đất, không bị nhiễm hóa chất độc hại.
- Xác định thời điểm thu hoạch dựa vào sổ nhật ký ghi chép thời gian xả nhị: đối với giống Dona sau 125 - 135 ngày, đối với giống Ri 6 sau 105 - 115 ngày từ khi hoa xả nhị.
- Xác định thời điểm thu hoạch dựa vào cảm quan: khi cuống quả dẻo, tầng rời trên cuống quả phát triển rõ ràng và phát ra tiếng kêu vang rỗng khi gõ vào quả.
- Kỹ thuật thu hái: Khi quả đạt độ chín thích hợp, dùng dao cắt cuống cách tầng rời ít nhất 3 - 4 cm rồi đặt vào các sọt nhựa, không để quả xuống đất để tránh bị dính đất hoặc các nguồn nấm bệnh. Sau khi thu hái, tránh quả tiếp xúc với đất, tiếp xúc trực tiếp với mưa, nắng.
2.7.2. Bảo quản
- Sử dụng nước sạch để rửa quả, hong khô trong mát. Khi trữ quả, phải có tấm lót ngăn cách với sàn nhà. Không đặt quả thành đống.
- Bảo quản quả: Sử dụng màng bao parafilm kết hợp với chất hấp thụ KMnO4 có thể kéo dài thời gian bảo quản quả lên đến 18 ngày.
- Xử lý thúc chín quả theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, chủng loại, liều lượng và nồng độ hóa chất phải được sự cho phép của nhà tiêu thụ./.
HÌNH ẢNH MINH HỌA
1. MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT
|